Pamphlet (PDF) | Tập sách nhỏ
Pamphlet text (screenreader friendly) | Văn bản tập sách nhỏ
Các quyền của quý vị theo Đạo Luật Sức Khỏe Tâm Thần của BC: Quý vị có thể làm gì nếu được chứng nhận là bệnh nhân bị cưỡng bách
Được chứng nhận theo Đạo Luật Sức Khỏe Tâm Thần của BC có nghĩa là gì?
Đạo Luật Sức Khỏe Tâm Thần là luật quy định khi nào có thể cưỡng bách một người vào bệnh viện dù họ không muốn.
Luật đó nói rằng quý vị chỉ có thể được chứng nhận là bệnh nhân bị cưỡng bách nếu có bác sĩ đã khám cho quý vị và tin rằng quý vị hội đủ tất cả bốn tiêu chuẩn sau đây:
- quý vị bị khiếm khuyết trầm trọng khả năng phản ứng với môi trường và kết giao với người khác vì một chứng rối loạn tâm thần,
- quý vị cần được điều trị tâm thần,
- quý vị cần được chăm sóc, giám thị, và kiểm soát:
- để bảo vệ quý vị hoặc người khác, hoặc
- để giúp cho bệnh tình của quý vị không trở nặng hơn, về cả tâm thần hoặc thể xác, và
- quý vị không thể được nhận vào bệnh viện trên căn bản bệnh nhân tự nguyện.
Nếu được chứng nhận, quý vị có thể cảm thấy sợ hãi, hoang mang, hoặc tức giận, nhất là nếu quý vị không biết chắc mình có các quyền gì.
Khi được chứng nhận:
- quý vị không được rời bệnh viện nếu không có phép của bác sĩ, và
- quý vị không thể từ chối điều trị tâm thần, kể cả thuốc men.
Nhưng quý vị vẫn có thể nói chuyện với bác sĩ về vấn đề điều trị của mình, và quý vị không bị mất hết các quyền của mình.
Tôi phải ở trong bệnh viện bao lâu?
Thời gian này tùy theo có bao nhiêu chứng thư. Một chứng thư cho phép bác sĩ giữ quý vị tại bệnh viện đến tối đa là 48 giờ. Nếu có một chứng thư thứ nhì thì quý vị có thể phải ở đến tối đa 1 tháng.
Nếu, vào bất cứ lúc nào, bác sĩ tin rằng quý vị không còn hội đủ các tiêu chuẩn nữa thì quý vị sẽ được hủy bỏ chứng nhận.
Nếu bác sĩ tin rằng quý vị vẫn hội đủ các tiêu chuẩn sau một tháng, họ có thể gia hạn chứng nhận, lần đầu là 1 tháng, rồi 3 tháng, rồi đến những thời hạn từng 6 tháng một.
Trong mỗi thời hạn chứng nhận này, quý vị có quyền:
- được cho biết quý vị có các quyền gì,
- được bác sĩ khám xem quý vị có vẫn hội đủ các tiêu chuẩn chứng nhận hay không,
- xin ủy ban tái duyệt mở buổi phân xét, và
- hỏi ý kiến y khoa thứ nhì.
Tôi có các quyền gì nếu tôi được chứng nhận?
Quý vị có quyền biết mình ở đâu
Hãy hỏi y tá nếu quý vị cần biết tên và địa chỉ của bệnh viện.
Quý vị có quyền biết tại sao mình được chứng nhận
Bác sĩ phải ghi các lý do cưỡng bách quý vị vào bệnh viện trong chứng thư y tế (Mẫu 4) hoặc, nếu quý vị được gia hạn chứng nhận, ghi trong chứng thư gia hạn của quý vị (Mẫu 6). Quý vị có quyền biết trong chứng thư của mình ghi gì.
Quý vị có quyền xin ủy ban tái duyệt mở buổi phân xét
Nếu không đồng ý về quyết định của bác sĩ chứng nhận quý vị, quý vị có thể phản đối việc cưỡng bách mình vào bệnh viện. Một cách là xin ủy ban tái duyệt mở buổi phân xét. Buổi phân xét này miễn phí.
Ủy ban tái duyệt hoạt động độc lập với bệnh viện và gồm:
- một luật sư,
- một bác sĩ không phải là thành viên của toán điều trị cho quý vị, và
- một người trong cộng đồng.
Họ sẽ nghe trình bày vụ của quý vị và quyết định quý vị có hội đủ các tiêu chuẩn phải vào bệnh viện hay không. Nếu họ quyết định quý vị không hội đủ tiêu chuẩn, quý vị sẽ được hủy bỏ chứng nhận. Nếu họ quyết định quý vị hội đủ tiêu chuẩn, quý vị sẽ phải ở lại bệnh viện.
Muốn xin ủy ban tái duyệt mở buổi phân xét, hãy nhờ một y tá giúp quý vị điền Mẫu 7. Nếu quý vị đang trong thời hạn chứng nhận 1 tháng, buổi phân xét của quý vị sẽ được tổ chức trong vòng 14 ngày sau khi quý vị xin tái duyệt.
Quý vị có quyền nhờ một người bênh vực hoặc luật sư đại diện và giúp quý vị chuẩn bị và trình bày vụ của mình trước ủy ban tái duyệt.
Quý vị có thể gọi chứng nhân ra khai cho mình.
Quý vị có thể hỏi ủy ban tái duyệt xem có thể đem theo một người yểm trợ cho quý vị hay không, nhưng tùy quyết định của chủ tịch ủy ban có chấp thuận hay không.
Sau khi đã được sắp xếp lịch trình phân xét, nếu quý vị cần được giúp để tìm người bênh vực hoặc luật sư để đại diện cho mình, hãy gọi cho Chương Trình Luật Sức Khỏe Tâm Thần:
604-685-3425 trong vùng Lower Mainland
1-888-685-6222 ở nơi khác trong BC
10 giờ sáng–giữa trưa & 1:30 chiều–4:30 chiều, Thứ Hai đến Thứ Sáu
Quý vị có quyền hỏi ý kiến y khoa thứ nhì
Nếu không đồng ý về cách điều trị tâm thần cho mình, quý vị có thể hỏi ý kiến thứ nhì của một bác sĩ khác. Muốn thế, hãy nhờ y tá giúp quý vị điền Mẫu 11.
Quý vị có thể chọn bất cứ bác sĩ nào có giấy phép hành nghề tại BC để khám cho mình, nhưng quý vị phải trả phí tổn di chuyển cho họ.
Hãy nhớ là ý kiến thứ nhì chỉ là một ý kiến, và toán điều trị của quý vị không bắt buộc phải áp dụng các đề nghị của bác sĩ kia.
Quý vị có quyền nói chuyện với luật sư
Luật sư có thể giúp quý vị phản đối vấn đề chứng nhận của quý vị bằng cách xin một thẩm phán tái duyệt vụ của quý vị. Quý vị có thể phải trả lệ phí luật sư và án phí.
Luật sư cũng có thể cố vấn pháp lý cho quý vị về các quyền của quý vị trong cương vị bệnh nhân được chứng nhận. Nếu quý vị không có khả năng tài chánh để thuê luật sư, Access Pro Bono (Tiếp Nhận Miễn Phí) cung cấp 30 phút cố vấn pháp lý miễn phí qua điện thoại. Hãy gọi để xin hẹn:
604-482-3195 số phụ 1500 trong vùng Lower Mainland
1-877-762-6664 số phụ 1500 ở nơi khác trong BC
10 giờ sáng–4 giờ chiều, Thứ Hai đến Thứ Sáu
Khi tôi rời bệnh viện thì sao?
- được cho xuất viện và tự do đi về, hoặc
- được cho phép tạm nghỉ dài hạn.
Cho phép tạm nghỉ dài hạn có nghĩa là quý vị có thể sống trong cộng đồng, nhưng quý vị vẫn được chứng nhận và phải tuân hành các điều kiện, chẳng hạn như đến gặp toán sức khỏe tâm thần và dùng các loại thuốc tâm thần.
Quý vị có quyền biết mình được cho xuất viện hay cho phép tạm nghỉ dài hạn. Quý vị có tất cả các quyền như khi đang ở trong bệnh viện, kể cả quyền xin ban tái duyệt mở buổi phân xét.
Nếu tôi không hài lòng về dịch vụ chăm sóc cho tôi thì sao?
Nếu muốn khiếu nại về cách đối xử với quý vị, quý vị có thể liên lạc với Văn Phòng Điều Tra Viên:
1-800-567-3247
PO Box 9039
STN PROV GOVT
Victoria, BC
V8W 9A5
bcombudsperson.ca
Văn Phòng Điều Tra Viên là một cơ quan độc lập chuyên điều tra các cơ quan công, chẳng hạn như bệnh viện.
Tôi có thể tìm thêm chi tiết về các quyền của tôi ở đâu?
Hãy đọc bản tóm lược các quyền của quý vị trong Mẫu 13. Một y tá sẽ yêu cầu quý vị ký vào mẫu đó để cho thấy là có người đã cho quý vị biết về các quyền của mình.
Nếu quý vị muốn có một người trong gia đình hoặc bạn bè giúp quý vị về các quyền của mình, quý vị có thể yêu cầu một y tá cho họ biết chi tiết về các quyền đó.
Nếu quý vị có thắc mắc về các quyền của mình, hãy nói chuyện với một y tá hoặc toán sức khỏe tâm thần để biết thêm.
Wallet card (PDF) | Thẻ ví
Video
Vietnamese captions on our video are available. | Phụ đề tiếng Việt trên video của chúng tôi có sẵn.